Vàng là một trong những kim loại quý hiếm được con người sử dụng từ lâu. Đây là chất liệu để tạo nên hầu hết các loại trang sức sang trọng, đắt giá. Vậy cụ thể vàng được khai thác như thế nào trong tự nhiên và quy trình khai thác kim loại này có gì đặc biệt?
Quặng vàng là gì?
Trong tự nhiên, vàng là kim loại quý được tạo thành từ sức nóng và nhiệt độ của lõi trái đất. Các nguyên tố vàng nóng chảy và liên kết với nhau tạo thành vàng thô dưới các lớp đất đá, và chỉ xuất hiện ở một số vị trí nhất định.
Quặng vàng là tên gọi của hợp chất chứa nhiều kim loại tự nhiên, trong đó có kim loại vàng. Tuỳ vào hàm lượng vàng trong quặng mà sẽ được phân loại khác nhau.
- Quặng vàng: Có hàm lượng vàng cao, độ tinh khiết của vàng đạt từ 75 – 95%. Đây là quặng vàng đã nóng chảy từ trong lòng đất và được đẩy lên nhờ sự vận động của vỏ Trái Đất. Quặng vàng dạng này có màu vàng như kim tuyến hay như hạt tấm. Và thường dễ khai thác hơn so với quặng kim loại vàng.
- Quặng kim loại vàng: Đây là quặng đa kim (nhiều kim loại), trong đó nguyên tố vàng bị lẫn với đồng, bạc, sắt,… Vì vậy, để khai thác loại quặng này cần sử dụng nhiều phương pháp tuyển vàng khác nhau.
Các bước tách vàng từ quặng vàng thô
Để có thể được sử dụng trong chế tác thành trang sức, phụ kiện, quặng vàng phải trải qua một quy trình sàng lọc nghiêm ngặt. Trong đó, phổ biến nhất là quy trình tách chiết vàng bằng Natri Xyanua (NaCN).
Quy trình tách vàng từ quặng vàng thô nhìn chung gồm các bước sau:
- Bước 1: Nghiền nát quặng thô được khai thác từ mỏ.
- Bước 2: Ngâm quặng đã được nghiền nát trong dung dịch Natri Xyanua để vàng nguyên chất được hoà tan vào dung dịch. Bước này cũng tách được vàng với các chất không hoà tan trong NaCN khác.
- Bước 3: Thu hồi vàng từ dung dịch đã hoà tan bằng than hoạt tính. Sau đó rửa than hoạt tính trong nước là có thể thu được vàng thô từ quặng vàng.
- Bước 4: Lượng vàng thô vừa thu được sẽ trải qua quá trình điện phân để tách được vàng nguyên chất.
Đến bước này, vàng nguyên chất đã sẵn sàng để được sử dụng cho nhiều ứng dụng khác nhau, mà phổ biến nhất là chế tác trang sức.
Hạn chế của phương pháp tách vàng bằng Xyanua
Phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản là nhu cầu tất yếu hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ và nhận thức về môi trường của con người ngày càng cao, thì sử dụng Xyanua để tách vàng là một bài toán nan giải. Việc sử dụng Xyanua gây ra nhiều tác hại đối với môi trường và con người.
Xyanua khi bị thải trực tiếp ra môi trường sẽ thẩm thấu vào đất, làm nhiễm độc nguồn nước. Hậu quả là sự biến đổi tính chất của đất, gây hại cho sinh vật và con người khi tiếp xúc. Theo các chuyên gia y tế, Xyanua thẩm thấu nhanh vào cơ thể, gây suy hô hấp, co giật và có thể tử vong nhanh chóng chỉ với một lượng nhỏ.
Sản lượng vàng trên thế giới là bao nhiêu?
Trong giai đoạn 2010 – 2021, tổng trữ lượng vàng tại các mỏ vàng lớn trên toàn thế giới vẫn tương đối ổn định. Năm 2021, trữ lượng vàng ở mức 54.000 tấn, thấp hơn so với mức cao nhất là 57.000 tấn vào năm 2016.
Theo số liệu từ Trading Economics, đến cuối năm 2021, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có lượng vàng nhiều nhất với 8.133 tấn. Con số này nhiều hơn của cả Italia và Đức cộng lại. Trữ lượng lớn vàng của Hoa Kỳ đang được bảo quản tại Fort Knox (Kentucky).
Xét về khía cạnh cung – cầu, Nga là nước thu mua lượng vàng lớn nhất trên thế giới. Năm 2018, Nga đã mua tới 274 tấn vàng. Trong khi đó, Trung Quốc là nơi sản xuất vàng nhiều nhất trên thế giới, chiếm 11% sản lượng khai thác toàn cầu.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các mỏ vàng bị cạn kiệt?
Vàng là một sản vật quan trọng đối với nền kinh tế, tuy nhiên các mỏ vàng trên thế giới đang cạn kiệt nhanh chóng vì bị khai thác quá mức. Bên cạnh đó, mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ vàng tăng đột biến, cung không đủ cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, sản lượng vàng sẽ cạn kiệt trong khoảng 18 – 20 năm tiếp theo, trừ khi phát hiện các mỏ vàng mới. Nếu không tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ngân hàng trung ương của các nước phát triển đã mở rộng thêm lượng vàng dự trữ của họ và nâng mức tổng tài sản toàn cầu lên cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Dù thị trường đang là “Bull Market” hay “Bear Market”, vàng vẫn sẽ là tài sản quan trọng và nhu cầu đối với tài sản này sẽ không ngừng tăng lên.